Trong thời nhà Đường Mộ_Dung_Thuận

Cũng vào năm 618, Lý Uyên buộc Tùy Cung Đế phải nhường ngôi cho ông ta, lập ra nhà Đường và bản thân trở thành Cao Tổ. Do Cao Tổ hoàng đế còn phải chiến đấu với các lãnh đạo nổi dậy khác để giành quyền bá chủ Trung Hoa, ông ta đã đề nghị Mộ Dung Phục Doãn- người khi này đã đoạt lại quyền kiểm soát cố địa của Thổ Dục Hồn từng bị Tùy chiếm, tấn công một trong các đối thủ của mình là Lương Đế Lý Quỹ. Mộ Dung Phục Doãn chấp thuận và yêu cầu Mộ Dung Thuận được phóng thích về chỗ mình. Cao Tổ hoàng đế chấp thuận, và vào năm 619, Mộ Dung Thuận trở về Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, sự trở về này không hoàn toàn viên mãn đối với Mộ Dung Thuận vì sau một thời gian dài ông vắng mặt, cha đã lập một người con trai khác làm thái tử. Ông chỉ được phong làm Đại Ninh vương và không hài lòng trước việc này.

Mặc dù ban đầu Đường và Thổ Dục Hồn là đồng minh, song hòa bình đã không kéo dài, khi mà công cuộc thống nhất Trung Quốc của Đường đã gần như hoàn thành vào năm 623, còn Mộ Dung Phục Doãn thì nghe theo lời khuyên của chiến lược gia Thiên Trụ vương mà thực hiện một số cuộc tấn công cướp phá hàng năm vào lãnh thổ Đường trong thời gian trị vì còn lại của Cao Tổ hoàng đế. Đến khi Thái Tông hoàng đế kế vị vào năm 626, Thổ Dục Hồn mới giảm bớt tần suất các cuộc tấn công, song vẫn tiếp tục.

Năm 635, dưới sự chỉ huy của tướng Lý Tĩnh, quân Đường tiến hành một cuộc tấn công nhằm triệt hạ Thổ Dục Hồn, buộc Mộ Dung Phục Doãn phải chạy trốn. Các quý tộc Thổ Dục Hồn bực bội với Thiên Trụ vương, và Mộ Dung Thuận đã lãnh đạo họ sát hại Thiên Trụ vương và đầu hàng quân Đường. Mộ Dung Phục Doan chết trong khi chạy trốn, vì thế Thái Tông hoàng đế đã phong cho Mộ Dung Thuận làm Tây Bình vương và Truật Cố Lã Ô Cam Đậu khả hãn, kế vị cha.